Để hóa giải bế tắc (tư tưởng), khủng hoảng (tâm thức) và những mâu thuẫn khốc liệt của thời đại về chính trị, kinh tế, ý thức hệ, tôn giáo… đang hội tủ trên quê hương:
Người Việt phải ý thức tầm quan trọng của cuộc chuyển hóa tâm thức mà khởi điểm là trở về với chính mình (trăm hay xoay vào lòng, vì ngọn đèn được tỏ trước khêu bỡi mình) với nếp sống tỉnh thức qua quá trình học ăn, học nói, học gói, học mở (giáo dục nhân bản tâm linh) nhằm hóa giải mọi tâm lý nô lệ ý thức hệ và tư tưởng ngoại nhập đã và đang quy định những hành vi và suy tư của mình. Nói cách khác, đã đến lúc người Việt tự phát động một cuộc cách mạng triệt để trong tâm thức, một cuộc chuyển hóa thật sự về toàn bộ cơ cấu tâm lý con người.
Đã đến lúc người Việt nhận thức rõ ràng những lớp sơn văn hóa ngoại nhập (Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Phương, Bắc Mỹ) đã và đang bao phủ cốt lõi đạo sống Việt, nhiễu loạn tinh hoa tư tưởng Việt để chúng ta không còn ngộ nhận văn hóa Việt là bản sao của văn hóa Trung Hoa hoặc tư tưởng Việt chỉ là những tư tưởng tổng hợp của Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Phương.
Đã đến lúc người Việt Nam trở về dòng sống của dân tộc, không theo Tây – Mỹ - An Độ..., không làm tay sai cho Nga - Tàu..., không cam tâm làm nô lệ tư tưởng cho bất cứ ai mà chỉ quyết tâm học hỏi những kinh nghiệm sống của tổ tiên, trên nền tẳng của tinh thần khai phóng và dung hóa tất cả tư tưởng Đông – Tây – Kim - Cổ đã và đang hội tụ trên đất nước Việt Nam. Lây cốt lõi tư tưởng Việt làm căn bản để tiếp tục tiếp thu tinh hoa của nhân loại có chọn lọc ngõ hầu thực hiện cuộc cách mạng tâm linh để thăng hoa cuộc sống và con người với định hướng, BIẾN - Hóa - Thăng hoa - Hòa cùng vũ trụ.
Đã đến lúc người Việt bước vào tiến trình tự thắng những dục vọng thấp hèn, thói hư tật xấu, mặc cảm, tị hiềm, tham vọng cá nhân, tự ti mặc cảm... ẩn tàng trong tâm trí cũng như những định kiến, cố chấp đang làm vẫn đục tình người để nhân tính làm chủ tư duy và hành động của mình.
Đã đến lúc người Việt trở về nguồn. Trở về nguồn, không đồng nghĩa với hoài cổ hay trở về với những truyền thống lạc hậu, mà trở về với chính mình, trở về với dòng sống sinh động của dân tộc, nghĩa là trở về với bản sắc hiếu hòa với tinh thần nhân bản, nhân chủ và dân chủ, với nếp sống hài hòa: hòa cả làng, với đạo lý dân tộc: “thương người như thể thương thân”, lấy tình nghĩa làm đầu: “một bồ lý không bằng một tí cái tình”. Triết lý sống hài hòa đó bắt nguồn từ sự cảm nhận Thiên Nhiên (Thiên Thư Vô Ngôn của Trời Đất), thể hiện trong dòng sống chan chứa tính người và tình người, qua nếp sống tương nhượng quần cư hài hòa trong xóm làng từ thời cách mạng nông nghiệp trồng lúa nước ổn định lâu đời từ thời văn hóa Hòa Bình, được củng cố phát triển qua cát thời đại: Bắc Sơn, Phùng Nguyên, và Đông Sơn.… Nó khác hẵn bản sắc hiếu chiến của Trung Hoa và Tây Phương bắt nguồn từ nền văn hóa du mục.
Đã đến lúc người Việt phục hoạt và phát huy cốt lõi Đạo Sống Việt - vẫn đang ẩn tàng trong huyết quản, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt - làm tư tưởng chủ đạo cho cuộc sống và cuộc dung hóa những tư tưởng ngoại lai Đông - Tây - Kim - Cổ đang hội tụ trên quê hương hầu hóa giải những mâu thuẫn khốc liệt của thời đại để thực hiện con đường sống của dân tộc: Nhân Đạo. Đóng góp phần mình vào công cuộc xây dựng nền văn minh nhân bản cho nhân loại.
Đã đến lúc người Việt ý thức rằng con đường sống của dân tộc lấy con người toàn diện - không “duy” gì cả - làm trung tâm cho mọi tư duy và hành động, với nếp sống hài hòa, đặt nền tảng trên trí tuệ, tình thương và đôi bàn tay xây dựng của chính mình: “có khó mới có miếng ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho.” trên tinh thần thượng tôn luật pháp.
Đã đến lúc người Việt cảm nghiệm rằng chỉ khi nào cuộc dung hóa tư tưởng thành công - thống nhất trí thức và tâm thức - thì tư tưởng mới ổn định. Tư tưởng ổn định vốn là nền tảng vững chắc và lâu dài để kiến thiết toàn bộ sinh mệnh con người, xây dựng gia đình và cải tạo toàn triệt xã hội. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được cuộc dung hóa những tư tưởng ngoại lai đang hội tụ trên quê hương, đồng thời vận dụng sâu rộng vào đời sống của mọi tầng lớp dân chúng thì mới xây dựng được một nền văn hóa dân tộc nhân bản, khai phóng, một thể chế tự do dân chủ đích thực (vượt lên tự do dân chủ cộng sản và tự do dân chủ tư bản hiện nay để xây dựng nền văn minh nhân bản), một nền kinh tế phục vụ đại chúng và một hệ thống giáo dục đào tạo con người toàn diện để dân Việt thực sự bước vào con đường sống của dân tộc (=Nhân Đạo); đó cũng là hướng đi tất yếu của nhân loại trong những thập niên tới mà tổ tiên chúng ta đã vạch ra con đường sống đó trong các thông điệp ẩn tàng trong huyền thoại, truyền thuyết, ca dao và tục ngữ.
Đã đến lúc người Việt ý thức rằng dân tộc mình chỉ có thể vượt lên ngang tầm với thời đại về khoa học kỹ thuật và vật chất khi đặt cơ sở phát triển đất nước trên nền tảng của bản sắc dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Dân tộc nào để cho văn hóa ngoại lai ngự trị thì không thể có độc lập thật sự vì văn hóa là linh hồn của một dân tộc (Nguyen An Ninh).
Như vậy, trong mặt trận văn hóa với xu thế toàn cầu hóa, chúng ta phải có một sách lược lâu dài, bền vững toàn diện, với những chiến lược, chiến thuật linh hoạt, thích nghi với mọi tình huông, không có bạn, thù vĩnh viễn, trong bang giao quốc tế, không vì cùng chung một ý thức hệ, cùng một chủng tộc, hoặc cùng một tôn giáo, mà khiến cho quyền lợi của dân tộc bị thiệt hại.
Vị trí nước Việt Nam nằm ở ngã tư quốc tế, nếu không sáng suốt không linh động uyển chuyển tùy thời, chúng ta sẽ có thể thành công trong việc chóng âm mưu xâm lăng của tộc Hán như trong quá khứ, nhưng lại bị Đài Loan hóa, hay Nhật hóa hoặc Mỹ hóa.
Đã đến lục người Việt phải ý thức rằng dù cho chương trình, kế hoạch có hay đến đâu mà không có con người tốt, cán bộ tốt chắc chắn sẽ thất bại.
Tôi muốn cất tiếng kêu to. Kêu thật to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin để cùng tôi đêm một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, dân tộc Việt (Hồ Hữu Tường).
Đã đến lúc người Việt Nam phải tự ý thức thực hiện cuộc chuyển hóa tâm thức (phát triển tâm linh) trên nền tảng của giáo lý mà mình đang theo, trở thành người “thiện lành”, phát triển tình thương và trí tuệ, thể hiện đạo lý của dân tộc: “thương người như thể thương thân” và triết lý sống thái hòa, qua nếp sống hài hòa (hòa cả làng), lấy tình nghĩa làm đầu (một bồ cái lý, không bằng một tí cái tình) trong tinh thần “công bằng là đạo người ta ở đời, phá vở những ốc đảo (gà quề ăn quẩn cối xay) những định kiến (kiến bò miệng chén) về chính trị và tôn giáo, xem “đối lập” là bổ sung, chấp nhận dị biệt (rằng trong lẽ phải có người có ta) thống nhất tri thức và tâm thức, cùng nhau chung sống yên vui trong thanh bình thịnh vượng.
Tình thương hồn nhiên trong sáng – không mang bất cứ nhãn hiệu nào – sẽ hóa giải mọi mâu thuẫn, nghịch lý ở nội tâm, trong gia đình và ngoài xã hội:
1. Dân Tộc: Người trong một nước phải thương nhau cùng.
2. Nhân Loại: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn (giàn dân tộc – gian nhân loại).
Ông cha ta thường nhắc nhở:
Thương nhau củ ấu cũng tròn (một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng)
Tình thương, trí tuệ, hài hòa và thượng tôn luật pháp là những yếu tố căn bản / nền tảng giải đáp nhu cầu tâm thức của con người trong thế toàn cầu hóa để xây dựng nền văn minh nhân bản mà loài người đang hướng tới.
Người Việt theo tục thờ cúng tổ tiên cũng cần phải tự ý thức thực hiện cuốc chuyển hóa tâm thức mà khởi điểm là trở về với chính mình (trăm hay xoay vào lòng, vì ngọn đèn được tỏ trước khêu bởi mình), tự biết mình, với nếp sống tỉnh thức, qua quá trình học ăn, học nói, học gói, học mở (truyền thống giáo dục nhân bản tâm linh) theo chiều kích tâm linh phát triển tình thương và trí tuệ với định hướng: BIẾN – Hóa – Thăng hoa – Hòa cùng vũ trụ.
Lời nói kinh điển, chữ nghĩa chỉ mô tả sự thực, chứ không phải là sự thực. Sống với sự thực hơn là nói suông, cho nên ông cha ta đã dạy:
Trăm nghe không bằng một thấy,
Trăm thấy không bằng một lần trải qua.
(Trích trong Về Nguồn - Con Đường Sống Của Dân Tộc)
Tủ Sách Việt Thường